Trường Mầm non Trực Đại huyện Trực Ninh tăng cường các giải pháp phòng chống thừa cân, béo phì cho trẻ thích ứng diễn biến phức tạp dịch COVID-19
2022-03-05 12:31:50Bà Henrietta Fore, Giám đốc Điều hành UNICEF cho biết “Sự gián đoạn trong giáo dục do đại dịch COVID-19 gây ra đang khiến trẻ em không thể được hưởng sự khởi đầu về giáo dục tốt nhất. Chăm sóc trẻ em và giáo dục mầm non tạo dựng nền tảng cho mọi khía cạnh phát triển của trẻ. Đại dịch đang đe dọa nghiêm trọng tới nền tảng này”.
Đại dịch COVID-19 khiến trẻ em phải nghỉ học, thời gian ở nhà quá lâu, khiến nhiều trẻ tăng cân nhanh chóng. Chế độ ăn uống chưa hợp lý, ít vận động, các em chỉ ở trong nhà đã làm gia tăng tình trạng thừa cân, béo phì của trẻ em Việt Nam. Trong đợt dịch COVID-19 thứ 4, nhiều trẻ em béo phì nhiễm virus SARS-CoV-2 đã chuyển biến nặng nhanh chóng, rơi vào nguy kịch.
Năm học 2021-2022 là năm học đặc biệt, các trường học trong cả nước nói chung, trường mầm non Trực Đại nói riêng đang phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức do ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19. Để thực hiện mục tiêu kép, vừa phòng chống dịch, vừa phục hồi sản xuất theo Nghị quyết 128/NQ-CP của Chính phủ, đòi hỏi các nhà trường phải có các giải pháp phù hợp, chuyển trạng thái hoạt động một cách linh hoạt, phù hợp với trạng thái bình thường mới. Nhất là công tác chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ, trong đó có trẻ em béo phì là việc làm cấp bách hiện nay, đảm bảo trẻ em được phát triển toàn diện trong điều kiện an toàn.
Thực trạng sức khỏe trẻ ở trường mầm non Trực Đại sau 4 tháng nghỉ tránh dịch ở nhà tỉ lệ trẻ thừa cân, béo phì tăng rõ rệt. Điều này đã làm dấy lên lo ngại đến sự phát triển lâu dài về sức khỏe của trẻ. Theo chuyên gia dinh dưỡng, thừa cân, béo phì ở trẻ dẫn đến rất nhiều hệ lụy như: ảnh hưởng đến hệ nội tiết - chuyển hóa, dẫn đến hạ đường huyết, đái tháo đường, rối loạn mỡ máu, dễ gặp chứng ngừng thở khi ngủ và hội chứng giảm thông khí. Ngoài ra, thừa cân, béo phì ở trẻ còn ảnh hưởng đến hệ tiêu hóa như bị gan nhiễm mỡ, xơ gan, sỏi mật; tăng nguy cơ bị tăng huyết áp, xơ vữa động mạch, bệnh mạch vành… khi trưởng thành. Trẻ em béo phì thường xuyên có cảm giác kém cỏi, tự ti, mặc cảm nên hạn chế giao lưu, tiếp xúc với các bạn, ảnh hưởng đến sinh hoạt, học tập và nhiều mặt khác. Tình trạng thừa cân, béo phì nếu không được phát hiện và kiểm soát kịp thời sẽ để lại những hệ lụy nghiêm trọng về sức khỏe và chất lượng cuộc sống của trẻ em.
Xã hội đang trên đà phát triển, cuộc sống mỗi ngày của chúng ta đều trở nên đầy đủ và sung túc hơn. Bởi vậy, trẻ em luôn có được sự chăm sóc đặc biệt của gia đình và xã hội. Qua nghiên cứu và khảo sát thực tế có thể thấy, nguyên nhân chính dẫn tới tình trạng thừa cân béo phì ở trẻ hiện nay: Đại đa số phụ huynh chưa có kiến thức về nhu cầu năng lượng cần thiết cho trẻ trong ngày, chưa hiểu biết về thừa cân, béo phì và các nguy cơ tiềm ẩn ảnh hưởng đến sức khỏe từ thể trạng này;
Phụ huynh thường cưng chiều con quá mức về sở thích ăn uống chưa lành mạnh của trẻ; Hoạt động thể lực chưa phù hợp nhất là trong điều kiện dịch diễn biến phức tạp; Thói quen sử dụng điện thoại, máy tính, tivi, ipad.
Từ thực trạng đáng báo động hiện nay, trường mầm non Trực Đại đã triển khai thực hiện một số biện pháp phòng chống thừa cân béo phì cho trẻ em nhằm nâng cao chất lượng nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục trẻ thích ứng linh hoạt với dịch COVID-19.
Nhà trường tăng cường công tác truyền thông nâng cao nhận thức cho giáo viên, phụ huynh và cộng đồng về công tác phòng, chống thừa cân béo phì. Xác định đây là việc làm có tầm quan trọng rất lớn để đem đến hiệu quả trong việc chăm sóc và phòng ngừa trẻ béo phì, hướng tới mục tiêu cải thiện tầm vóc, thể lực và trí tuệ của thế hệ tương lai của đất nước và của người Việt Nam nói chung đến với giáo viên, phụ huynh và cộng đồng. Từ đó sẽ giúp giáo viên, phụ huynh và cộng đồng có kiến thức về dinh dưỡng, đánh giá đầy đủ về thực trạng và những nguy cơ tiềm tàng của thừa cân, béo phì ở trẻ em.
Nhà trường định kỳ hàng tháng, hàng quý và hàng năm tổ chức nhiều hình thức để tuyên truyền với phụ huynh về vai trò và tầm quan trọng của công tác phòng chống thừa cân, béo phì có sự tham gia của các đơn vị, cá nhân trong và ngoài nhà trường, bằng các hình thức như: Phối hợp y tế địa phương tổ chức khám, tư vấn cho phụ huynh có trẻ béo phì và trẻ có nguy cơ thừa cân béo phì; tổ chức các khóa bồi dưỡng kiến thức và kỹ năng phòng chống thừa cân ở trẻ cho phụ huynh; tổ chức hội thi vận động cho trẻ, phát tài liệu, tuyên truyền qua các bài báo, bài viết…; trao đổi trực tiếp cho phụ huynh hiểu rõ và ủng hộ, phối hợp với nhà trường trong công tác phòng chống thừa cân, béo phì cho trẻ.
Hội nghị về vai trò và tầm quan trọng của công tác phòng chống thừa cân, béo phì
Bồi dưỡng kiến thức và kỹ năng phòng chống thừa cân ở trẻ cho các phụ huynh tại lớp 5B1
Thực hiện tốt việc phát hiện và can thiệp sớm khi có dấu hiệu thừa cân ở trẻ. Nhà trường phối hợp với cha mẹ và người giám hộ trẻ theo dõi tốc độ tăng trưởng cân nặng, chiều cao thông qua việc khám sức khỏe định kỳ 2 lần/ năm; cân đo, kiểm tra sức khỏe trẻ bằng biểu đồ tăng trưởng hàng tháng đối với trẻ có dấu hiệu thừa cân và béo phì, hàng quý đối với trẻ bình thường để phát hiện sớm trẻ có dấu hiệu thừa cân, béo phì để có biện pháp can thiệp sớm, đảm bảo đưa trẻ về mức phát triển bình thường.
Hướng dẫn, phối hợp với cha mẹ trẻ theo dõi và phát hiện sớm các dấu hiệu của trẻ thừa cân, béo phì như: Trẻ luôn thèm ăn và ăn liên tục, ăn hết phần và đòi ăn thêm; Trẻ thích ăn đồ ngọt và đồ ăn nhanh chứa nhiều chất béo như pizza, xúc xích nhưng không thích ăn rau xanh; Trẻ ăn tối muộn và thường thức khuya; Trẻ tăng cân nhanh trong thời gian ngắn; Rối loạn giấc ngủ; Trẻ xem tivi nhiều chiếm phần lớn thời gian trong ngày. Thường xuyên gặp gỡ phụ huynh trao đổi với phụ huynh về tình hình của trẻ từ đó có những biện pháp kịp thời can thiệp tới chế độ ăn của trẻ ở trường và ở nhà.
Hình ảnh bác sĩ trạm y tế khám sức khỏe cho trẻ
Hình ảnh trao đổi với phụ huynh
Phối hợp với phụ huynh xây dựng chế độ dinh dưỡng khoa học, hợp lý, loại trừ các thực phẩm gây thừa cân ngay khi trẻ đang ở mức phát triển bình thường. Thừa cân béo phì phần lớn có thể phòng ngừa được qua việc vận động thể lực kết hợp với chế độ dinh dưỡng lành mạnh, hợp lý. Vì vậy, bên cạnh việc xây dựng thực đơn dinh dưỡng tại trường khoa học, hợp lý, nhà trường rất chú trọng việc phối hợp, hỗ trợ phụ huynh xây dựng thực đơn dinh dưỡng tại gia đình hướng đến việc phòng, chống nguy cơ thừa cân, béo phì cho trẻ như: Tuyên truyền nuôi trẻ bằng sữa mẹ, với trẻ lớn hơn khuyến khích trẻ uống sữa không đường hoặc tách béo; cho trẻ ăn đủ nhu cầu trong một ngày theo khuyến nghị đối với từng độ tuổi; cho trẻ ăn đúng bữa, hạn chế ăn vặt; khuyến khích trẻ ăn hoa quả, rau xanh từ bé; giảm bớt gạo thay thế bằng khoai, ngô là các thức ăn giàu chất xơ; hạn chế cho trẻ thường xuyên uống nước ngọt. Khi chế biến đồ ăn cho trẻ tránh bỏ nhiều dầu mỡ, đường, bơ không cần thiết; tránh ăn các món xào, thịt mỡ liên tục. Không nên bắt trẻ béo phì nhịn ăn vì như vậy sẽ làm trẻ thấy đói hơn, trẻ sẽ ăn nhiều hơn bù bị nhịn đói; không cho trẻ ăn vào tối trước khi đi ngủ; không ăn mặn, hạn chế các loại thực phẩm chế biến sẵn như cá khô, mắm các loại, chả lụa, súc xích, đồ hộp, dưa, cà muối chua… Thực đơn dinh dưỡng tại trường, nhà trường chú trọng thực phẩm an toàn, rõ nguồn gốc; canh tác rau sạch tăng cường trong thực đơn của trẻ; ưu tiên các thực phẩm giàu chất xơ, ít năng lượng, cân đối các nhóm thực phẩm…, đảm bảo đáp ứng yêu cầu đối với trẻ phát triển bình thường và trẻ thừa cân, béo phì; tích cực hướng dẫn, hỗ trợ phụ huynh bằng cách: xây dựng thực đơn dinh dưỡng định hướng, quay video hướng dẫn chế biến một số món ăn… giúp phụ huynh chăm sóc, nuôi dưỡng tại gia đình.
Nhà trường xây dựng “Hòm thư cha mẹ”, “Hội cha mẹ có trẻ nguy cơ thừa cân, béo phì”... với mục đích thu thập các ý kiến đóng góp; chia sẻ những kinh nghiệm hay, những băn khoăn, những vướng mắc của các bậc cha mẹ về nuôi dạy con. Đối với những gia đình có hoàn cảnh đặc biệt cũng như trong quá trình phát triển có những trở ngại, nhà trường phân công giáo viên đến thăm tại nhà để tìm hiểu nguyên nhân cản trở sự phát triển của trẻ, hỗ trợ, động viên cha mẹ trẻ, giúp trẻ sớm đạt được mức phát triển bình thường.
Hằng năm, Nhà nhà trường thành lập Ban giám sát có thành phần cha mẹ trẻ tham gia giám sát các hoạt động nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục trẻ tại nhà trường, từ đó tạo niềm tin và động lực giúp phụ huynh yên tâm, tin tưởng từ đó phối hợp hiệu quả với nhà trường trong mọi hoạt động.
Hình ảnh Phụ huynh thăm quan bếp ăn của nhà trường
Hình ảnh phụ huynh tham gia hoạt động trải nghiệm cùng con tại trường
Xây dựng môi trường vận động thể lực hợp lý cho trẻ tại trường và gia đình. Nhà trường tận dụng mọi không gian như hành lang, cầu thang, sân trường… xây dựng những trò chơi vận động bằng những hình ảnh ngộ nghĩnh, đáng yêu, tạo hứng thú lôi kéo trẻ tự nguyện tham gia vào hoạt động vận động; khuyến khích trẻ vận động bằng cách tạo mọi cơ hội cho trẻ tự phục vụ, giúp đỡ cô giáo trong các hoạt động tại nhóm, lớp; trong các hoạt động chơi, học, luôn tạo cơ hội cho trẻ được tham gia các hoạt động, đóng vai các nhân vật có tần suất vận động nhiều hơn với cường độ thay đổi từ trung bình đến cao, thời lượng tăng dần, đảm bảo phù hợp với độ tuổi, trẻ vui vẻ và tự nguyện tham gia. Nhà trường xây dựng các bài tập phù hợp với thể trạng của trẻ thừa cân, vào tích hợp vào chương trình giáo dục tại trường, tăng cường sự thích thú khi chơi, bao gồm: trò chơi vận động, trò chơi dân gian, các trò chơi tự tạo… Trẻ thừa cân - béo phì nên tham gia các
Quay video hướng dẫn phụ huynh cách chơi tập cùng con khi ở nhà qua các bài tập thể dục sáng, tăng cường cho trẻ hoạt động qua việc giúp đỡ cha mẹ công việc nhà, tự phục vụ bản thân như: xách nước tưới cây, bê đồ phù hợp với tuổi, dọn nhà, quét nhà.... để hạn chế nhiều nhất tình trạng trẻ ngồi 1 chỗ xem tivi, điện thoại… từ đó tạo cho trẻ thói quen tích cực hoạt động. Hướng dẫn phụ huynh thường xuyên tổ chức cho trẻ các trò vận động ngoài trời như chơi đá bóng, đuổi bắt hoặc trò chơi dân gian ngoài trời hao tốn calo: cướp cờ, mèo đuổi chuột.
Hình ảnh hoạt động thể lực của trẻ
Với việc triển khai đồng bộ, hiệu quả các giải pháp trên; tỷ lệ trẻ thừa cân, béo phì và trẻ có nguy cơ thừa cân, béo phì tăng cao trong thời gian nghỉ dịch tại nhà trường đã giảm rõ rệt, trẻ được đảm bảo thể lực ở mức độ tốt nhất để phát triển toàn diện, nâng cao sức khỏe, an toàn trước đại dịch COVID-19. Chính vì vậy, mặc dù trước diễn biến phức tạp của dịch COVID-19, tỷ lệ trẻ em đến trường tại nhiều địa phương giảm mạnh, song trường mầm non Trực Đại vẫn duy trì được mức huy động trên 30% trẻ nhà trẻ, trên 95% trẻ mẫu giáo đến trường. Đây là kết quả thể hiện sự tin tưởng của phụ huynh vào chất lượng nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục của nhà trường. Để thực hiện tốt mục tiêu kép vừa phòng chống dịch, vừa thực hiện thắng lợi nhiệm vụ năm học 2021-2022, trường mầm non Trực Đại tiếp tục điều chỉnh kế hoạch, xây dựng kịch bản linh hoạt, thích ứng để tổ chức các hoạt động nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục tại trường đảm bảo an toàn, nhất là đảm bảo sự phát triển toàn diện về thể chất và tâm hồn cho trẻ em, đáp ứng lòng tin yêu của phụ huynh và xã hội; giúp trẻ mỗi ngày đến trường là một ngày vui./.